Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam
Cần tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển công tác xã hội, trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác xã hội, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến phát triển công tác xã hội theo hướng làm rõ vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên công tác xã hội.
Kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 7, ngày 23/3, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế “Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết nêu rõ, trên thế giới, công tác xã hội đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ và ngày nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ những những nhóm người yếu thế.
Quang cảnh hội thảo.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh cần phải quan tâm giải quyết. Với truyền thống của một dân tộc luôn đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành, đùm lá rách”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngay trong quá trình phát triển. Với quan điểm “vừa quan tâm phát triển kinh tế, vừa quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua, các quy định của pháp luật và chính sách xã hội cũng được ban hành có bổ sung vai trò của công tác xã hội.
Có thể khẳng định hệ thống văn bản pháp luật đã từng bước được hoàn thiện, góp phần bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, giảm thiểu những rào cản, sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội.
Theo Bí thư Nguyễn Minh Triết, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nỗ lực, thể hiện rõ vai trò gắn với các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp thông qua các phong trào và chương trình hành động như phong trào Thanh niên tình nguyện, Tiếp sức đến trường, cuộc vận động Vì đàn em thân yêu, chương trình Triệu túi an sinh… Vai trò của Đoàn Thanh niên các cấp được khẳng định rõ nét trong việc tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, vấn đề mới phát sinh, các hoạt động an sinh xã hội, tham gia phát triển cộng đồng, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương…
Trong các chương trình đồng hành với thanh thiếu niên chăm sóc sức khỏe tinh thần, phát triển kỹ năng xã hội, hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, ứng xử, giải quyết các vấn đề, phản biện, làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập, nâng cao thái độ tích cực của thanh niên trong học tập, lao động, cuộc sống… với phương thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu nhi.
“Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục triển khai và chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo cho nhóm thanh thiếu nhi yếu thế về cơ hội phát triển, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, phát triển của thanh niên trong các hoạt động của đoàn gắn với công tác xã hội”, Bí thư Nguyễn Minh Triết nói.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, hiện đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội chuyên nghiệp đã được hình thành với khoảng 235.000 người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp, trên 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội hỗ trợ giúp đỡ các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nghề công tác xã hội vẫn còn tồn tại những hạn chế như khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội còn chưa hoàn thiện, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu về số lượng và chất lượng, việc đào tạo công tác xã hội chưa chú trọng đến thực hành, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên xã hội còn mỏng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế, nhận thức về vai trò, vị trí của công tác xã hội của nhiều địa phương còn hạn chế.
Để đẩy mạnh phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, cần tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển công tác xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác xã hội, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến phát triển công tác xã hội theo hướng làm rõ vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên công tác xã hội, đẩy mạnh, phát huy vai trò của các tổ chức ngoài công lập trong các dịch vụ công tác xã hội. Nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Trợ giúp xã hội, tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Người khuyết tật. Phát triển mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên xã hội trong các trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp, trong đó tập trung phát triển các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, giải quyết vấn đề nghèo đói và những vấn đề xã hội khác.
Đặc biệt, cũng cần hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội và thiết lập mạng lưới nhân viên công tác xã hội trong các trường học, bệnh viện và cộng đồng.
Với hơn 70 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên ở trong nước và quốc tế, ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo tập trung vào các nội dung: Định hướng phát triển Công tác xã hội tại Việt Nam thời gian tới; Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công tác xã hội và khuyến nghị đối với Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Khung pháp lý phát triển công tác xã hội.
Bên cạnh phiên toàn thể, hai phiên chuyên đề cũng được tổ chức. Phiên chuyên đề thứ nhất có chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý và dịch vụ công tác xã hội - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam”, tập trung vào các vấn đề: Tổng quan về phát triển công tác xã hội; Rà soát chính sách pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; Công tác xã hội trong lĩnh vực y tế; Công tác xã hội trong trường học; Khuyến nghị phát triển dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam; Tầm quan trọng sống còn của sự hợp tác với cộng đồng trong phát triển các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Phiên chuyên đề thứ hai có chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội”, tập trung vào các nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội; Xây dựng hệ thống kiểm huấn trong công tác thực hành công tác xã hội; Công tác xã hội với người lao động; Công tác xã hội với thanh thiếu niên; Nhu cầu và khuyến nghị phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội chuyên nghiệp; Kinh nghiệm về đào tạo thực hành công tác xã hội tại Mỹ; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nguồn nhân lực công tác xã hội.
Gia Huy